Bút ký Nguyễn Phan Ngọc An
Phi cơ từ từ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, bầu không khí về khuya mát mẻ dễ chịu, tôi vội vàng đến xếp hàng hải quan làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam – Khi đã lấy xong hành lý, nhìn đồng hồ đã 1 giờ sáng của VN, lòng tôi nôn nao nhìn ra ngoài cửa trước, nơi đó chật ních những thân nhân đi đón người nhà từ các nước về quê ăn tết, nhưng có lẽ Việt Kiều Mỹ về đông hơn các nước khác bởi phần lớn người tỵ nạn định cư tại các tiểu bang nước Mỹ …Và tôi đã nhận ra con gái tôi và đứa cháu đang hướng mắt dáo dác tìm tôi.
Tôi đã mấy lần về thăm quê hương nhưng đây là lần duy nhất tôi được về vào dịp tết để hưởng mùa xuân quê nhà, tôi thấy vui và ấm áp vì khí hậu gần tết không nóng nực mà lại có phần lạnh buốt từng cơn, rõ năm nay khí hậu có khác thường như tin nhắn sang từ quê hương rằng phải mặc đến hai ba chiếc áo mới chịu nổi cái lạnh năm nay – Tôi về lần nầy chung với chị Kiều Liên và hai vợ chồng Hoàng Minh – Hương Nhựt là những người bạn thân cùng hứa hẹn nhiều chuyến đi tour chung từ Nam ra Bắc một lần cho biết, vì về nước đã nhiều lần nhưng tôi chưa có dịp nào đi tour du lịch xa mà chỉ lẩn quẩn Sài Gòn Vũng Tàu mà thôi.
Hai chiếc xe của hai người bạn thân đón chúng tôi tại cổng phi trường, diễn viên phim ảnh Nguyễn Sanh với chiếc Toyota Van 6 chỗ ngồi, anh chị Nỉ - Hồng Cúc với chiếc Taxi Van 6 chỗ ngồi, sau khi ăn khuya hai xe đưa chúng tôi về khách sạn Sơn Trà và tất cả chia tay tại đây…vợ chồng Minh - Nhật có người nhà đến đón tại khách sạn - Phòng khách sạn chật hẹp không như lời quảng cáo nhưng cũng có được hai chiếc giường nệm, bốn người chúng tôi tạm ngủ qua đêm để ngày mai về với gia đình - Buổi sáng ăn phở, buổi trưa ăn bún, ăn cơm với những tô phở, dĩa cơm, tô bún nhỏ chỉ bằng non phân nửa bên Mỹ nhưng với sức ăn của tôi là vừa, chúng tôi đi dạo chợ Tân Ðịnh thấy mít thèm quá mua luôn nửa trái nhờ xẻ ra rồi ngồi tại chợ cùng nhau ăn với vẻ thích thú khi thấy thiên hạ nhìn mình như lạ lẫm.
Chiếc xe đậu trước nhà tôi lúc 4 giờ chiều ngày hôm sau ( 14/1/09) tôi và con gái cùng đứa cháu xuống xe, chị Kiều Liên ở lại Sài Gòn và tôi hẹn hôm sau sẽ lên rồi cùng nhau đi tour du lịch Nha Trang, Mũi Né, Ðà Lạt, sau đó ra Vịnh Hạ Long rồi ra Hà Nội …
Cơn đau bụng từ đâu đưa tới, tôi choáng váng cả mặt mày, cứ ngỡ mình ăn nhiều mít chăng và tôi tức tốc đi Bác Sĩ tư siêu âm chẩn đoán – Bác sĩ nghe tôi nói ăn nhiều mít nên khi siêu âm xong bảo là tôi trúng thực mít, kê toa mua thuốc bảo tôi về - Tôi bỗng thấy nghi ngại không yên và nhờ ông ta siêu âm lại lần nữa, lúc nầy ông siêu âm lại cẩn thận hơn rồi làm giấy chuyển cấp cứu gấp tôi vào bệnh viện công – Trong lòng tôi cảm nhận sự lo lắng vì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với mình nếu chẳng may hệ trọng đến tính mạng vì quê hương mình ngành Y Khoa chưa thể so sánh với nước Mỹ văn minh hiện đại. Tôi bao xe đến thẳng bệnh viện trình giấy và được chuyển lên xe đẩy cấp tốc vào phòng mổ, họ bảo tôi cởi bỏ hết quần áo ngoài và đắp cho tôi một tấm chăn trắng từ cổ xuống chân, tự nhiên tôi như có niềm tin từ Phật Trời, Cha Mẹ, tôi bình tỉnh tin tưởng không hề run sợ mảy may, bởi tôi thừa hiểu những người bị máu cao mà sợ hãi thì máu sẽ tăng vọt gây nguy hiểm tính mạng như chơi - Họ đưa tôi vào phòng đầy những máy móc đèn điện sáng trưng, xê dịch tôi qua một chiếc giường khác và rồi tôi không còn biết gì nữa, tôi hôn mê đến sáng hôm sau khi mở mắt ra mới biết mình còn sống, còn hiện hữu giữa thế gian - Vị Bác Sĩ mổ ruột thừa cho tôi, nhìn tôi ông nhẹ nhàng nói “ Bà Việt Kiều phải không, khi tôi mổ thì thấy ruột bà vừa mới bể đó, bà mà vào bệnh viện trể e không an toàn tánh mạng” tôi cảm ơn thật nhiều đến vị Bác Sĩ có tên họ thật đẹp “ Thái Ðàm Hạnh” mà thấy vui khôn tả vì đã qua cơn hiểm nghèo mình vẫn tồn tại giữa cuộc đời.
Một tuần nằm viện rồi xuất viện về nhà nằm nghỉ ngơi thêm một tháng vì mổ ruột thừa nếu đi đứng sớm sẽ bị sa ruột, ăn uống kiêng cử như người sản phụ sanh con, thế là 5 tuần lễ qua đi trong tê tái xót xa cho những dự tính đã hỏng, đúng là “tính trước bước không tới” câu ngạn ngữ của ông bà xa xưa để lại quả không ngoa - Chị Kiều Liên và vợ chồng Hoàng Minh đã trở lại Hoa Kỳ - Thời gian tôi nằm nhà dưỡng bệnh cũng là thời điểm tết Nguyên Ðán đến với không khí chợ tết nhộn nhịp, mọi nhà lo sắm sửa đón mùa xuân Kỷ Sửu - Lần đầu sau gần 20 năm xa quê tôi dù đang bị dưỡng bệnh đi đứng phải thật nhẹ nhàng tôi cũng cố gắng bảo con gái chở ra xem chợ tết, cả con đường phố chính của chợ đầy những hoa vàng, đỏ ngút ngàn trông như dải lụa tơ vàng thăm thẳm, hoa vạn thọ nhiều nhất, vàng rực cả con phố về chiều trông vô cùng ngoạn mục đẹp mắt làm sao, bao nhiêu năm ly xứ, có bao giờ tôi nhìn thấy bông hoa nhiều đến thế vào những ngày xuân nơi quê người, có chăng lẻ tẻ nơi các sập bán hoa tết mà thôi… Ðêm giao thừa mới thật là thú vị, mọi nhà lo cúng giao thừa trước 15 phút để cùng nhau ra xem bắn pháo bông phía đầu chợ - Tôi cùng con gái cũng lên xe Attila phóng vội đi xem – Người ở các thành phố lân cận, các xã, các huyện đến đông đúc không tưởng tượng nổi, có đến mấy nghìn người, toàn bộ đi xe gắn máy đủ loại, cứ một xe hai người, vì là đêm giao thừa nên tất cả được quyền không đội mũ bảo hiểm nên khỏe được cái đầu vào ngày tết, chứ ngoài đêm giao thừa ra ai ra đường bằng xe gắn máy bắt buộc phải có mũ bảo hiểm để an toàn sinh mạng, từ ngày có lệnh đó dường như tai nạn giao thông cũng có phần giảm đi nhiều, tôi thật sự rất thích đêm giao thừa với hàng trăm bánh pháo bông nổ dồn dập, đủ màu sắc, đủ kiểu cỡ, tôi cũng như mọi người được chứng kiến pháo bông thật gần chỉ cách khoảng trước mắt chẳng bao xa – Tôi đã xuýt xoa nhiều lần “ thật cái vé về VN không tiếc chút nào khi được tận mắt xem pháo bông ngày tết như vầy” – Sau 15 phút bắn pháo bông, mọi người lũ lượt lên xe rồ máy chạy nghẹt cứng cả mấy đoạn đường dài trong khu phố chợ - Ðêm giao thừa ở quê hương thật sự đã để lại trong tôi nhiều thích thú nhiều lưu luyến không nguôi…
Tôi bắt đầu đi Sài Gòn sau một tháng nằm nhà dưỡng bệnh, tôi mang về mấy cái CD master để copy nên phải tận dụng thời gian còn lại – Tôi ra lộ đón xe đi cho nhanh nên không vào bến xe, hai chiếc Taxi mang biển số Sài Gòn trờ tới, tên dắt mối cho xe kéo vội vàng tôi lên xe, chẳng nói giá cả gì – Trên xe được khoảng 6 người, xe bắt đầu chuyển bánh thì thằng mối lái lại lấy tiền cò, nghe nó nói 350.000$ với chú tài xế Taxi, chú tài xế ngần ngại nhưng vẫn lấy tiền đưa cho nó, xe chạy được một đoạn ngắn có người khách hỏi chú tài xế “ hồi nãy thằng đó lấy chú bao nhiêu tiền cò” chú tài xế trả lời “ ba trăm năm chục ngàn” Người khách la toáng lên “ trời ơi, mỗi người khách đi Sài Gòn chỉ có 60.000 đồng là giá chợ đen rồi, trên xe có 6 người mà anh đưa nó 350.000 đồng thì anh còn được 10.000 đồng chạy tới Sài Gòn sao” - Anh tài xế hoảng hồn nói “ Tôi chưa đi tuyến đường này bao giờ, đây là lần đầu tiên nên không biết giá cả, mà tuị nó dữ dằn quá nên tôi không dám cãi phải đưa tiền như nó đòi anh ạ, bây giờ tôi làm sao đây, các anh chỉ cho tôi lấy tiền lại” Tức thì chú tài xế nghe lời khách vòng xe trở lại bến để mong gặp thằng mối lái, nhìn bên trái lề đường ngược chiều thấy thằng dẫn mối đang ngồi trên chiếc Taxi bạn của chú này cũng từ Sài Gòn ra chung, thằng mối cũng đang kiếm khách cho chiếc xe kia, chú tài vội vẫy tay và thắng gấp sát lề trái con đường một chiều, nhảy vội xuống băng qua lộ đòi tiền lại, tên mối lái trả lại 200.000 đồng, nó lấy đứt 150.000 đồng … Nào ngờ xe vừa lăn bánh được 100 thước thì Công An công lộ thổi tu huýt bắt dừng lại vì tội ngừng xe trái luật giao thông, giấy tờ xe bị giữ, bằng lái bị giữ với tờ biên bản phạt 400.000 đồng ngày mai đến đóng phạt – Trên xe hành khách ngao ngán thương hại chú tài non tay nghề gặp thảm cảnh, còn chú tài mặt mày méo xẹo muốn khóc, chú nói “ xe này họ bao ra Vũng Tàu, về không nên kiếm khách nào ngờ gặp tai họa thế này, đã không có tiền về lại còn lãnh phạt 400.000 đồng, mai lại phải chạy xe ra đây đóng phạt, tôi chạy xe tải quen rồi, mới đổi qua lái xe Taxi lần đầu hôm qua nên chẳng biết gì cả, xui tận mạng”
Đi qua khu Nghĩa Trang Quân Đội, tự nhiên tôi giật mình và như có điều gì đánh thức trí nhớ của tôi, buộc tôi xuống xe giữa lộ, đón xe Honda ôm chạy vào thăm nghĩa trang, tuy tôi không có người thân an nghỉ nơi đây nhưng suốt thời gian qua tại Mỹ, tin tức đập phá san bằng nghĩa trang đã khiến lòng tôi bất nhẫn đớn đau cho số phận hàng ngàn chiến sĩ VNCH đang yên giấc nghìn thu trong đó – Tôi nhẹ bước vào nghĩa trang và điều trước tiên là quan sát xem có còn bức tượng người lính năm xưa ngồi canh gác nghĩa trang đã bao thập niên qua mà tôi không rõ chỉ nhớ là khi tôi lên ba tuổi đi ngang đây là đã thấy bức tượng người lính này rồi – Tin san bằng đập phá nghĩa trang của chính quyền Việt Nam gây bất mãn khá nhiều trong lòng đồng bào Việt tị nạn các nước, nhất là nơi tôi cư ngụ, tiểu bang California nơi đông đảo người Việt nhất, hôm nay tôi về thăm quê, nhất quyết phải tìm cho ra sự thật như thế nào… và tôi quá ngỡ ngàng khi không tìm thấy bức tượng người lính năm xưa ngồi dưới trời mưa nắng !
Anh ở đâu, hỡi người chiến sĩ
Tôi ngồi dưới nắng đợi trông anh
Còn đâu pho tượng đầy linh hiển
Gác nghĩa trang buồn theo tháng năm
Từ dạo quê hương bừng lửa đạn
Anh buồn đôi mắt hướng xa xôi
Bên anh tay súng luôn gìn giữ
Bao giọt mồ hôi thấm núi đồi
Anh xã thân mình vì Tổ Quốc
Anh thương đất nước gặp tai ương
Bút nghiên xếp lại xa trường lớp
Dâng hiến đời trai giữa chiến trường
An Lộc, Bình Long rồi Dakpla
Xuyên rừng băng suối vượt Khe Sanh
Củng Sơn máu đỏ loang dòng suối
Bình Giả, Đồng Xoài vẫn liệt oanh
Rồi giặc lan tràn năm Mậu Thân
Xác người chồng chất máu xương rơi
Hiên ngang xông trận không ngần ngại
Người lính oai hùng nghĩa khí ơi !
Đã mất anh rồi… người chiến binh
Mười năm đánh trận quá điêu linh
Thân anh mục rửa vào sương cát
Ai nhớ, ai còn nhớ tuổi tên ?
Sông núi đau lòng vọng tưởng anh
Hồn linh hòa nhập với bình minh
Ngày đêm ngồi giữ bao người ngủ
Tượng đá là anh… anh chiến binh !
Tôi khóc thương anh người chiến sĩ
Muôn đời tôi nghĩ vẫn ngồi đây
Để tôi có dịp về thăm viếng
Đốt nén hương thơm dưới gót giày
Tàn nhẫn con người tàn nhẫn quá
Hai lần hồn xác nhận niềm đau
Anh là tượng đá đầy linh hiển
Nay bị chôn vùi hố đất sâu
Tượng đá muôn đời vẫn hiển linh
Vẫn ngồi yên lặng giữa bình minh
Hương thơm vẫn đốt theo năm tháng
Tôi vẫn lại về thăm viếng anh…
Trên đường về Sài Gòn choáng ngợp xe lớn xe nhỏ chật ních cả lòng đường lộ, vào thành phố mới thấy hết hồn vì xe hai bánh nghẹt cả con lộ, xe hơi khó khăn lắm mới xê dịch được từng chút một, trên đường tôi thấy tấm bảng ghi thật to “ Giá cực sốc” trên một căn nhà thật lớn như một siêu thị - Tôi tò mò không hiểu nghĩa là gì thì được giảng nghĩa là bàn thật rẻ tức là đại hạ giá, tôi buồn cười cho cái từ lạ lùng kia, sao họ dùng từ ngữ kỳ cục thế cứ ghi là đại hạ giá có phải văn minh nhẹ nhàng hơn không - Chiều đến tôi được bạn Thu Hoa chở đi dạo thành phố Sài Gòn, khi qua vùng Phú Lâm tôi thấy tấm biển đề “ Nơi mua bán và phục hồi dế”- Tôi ngạc nhiên hỏi bạn mới được biết dế là những chiếc phone di động mà bên Mỹ gọi là cell phone.
Ðất nước Việt Nam có nhiều thay đổi hơn trước, nhiều cơ sở nước ngoài về xây dựng hợp tác làm ăn với VN như Nhật, Ðài Loan , Đại Hàn, Hoa Kỳ…Cầu cống đường xá được mở mang rất nhiều, các dịch vụ ăn uống mọc lên như nấm, sì ke ma túy cũng không ít, tuy có một điều đã cải thiện tốt đẹp, đó là thành phần ăn xin, cùi hủi không còn thấy trên các đường phố, các quán ăn như những năm trước mỗi khi ngồi xuống bàn là y như có những người ăn xin chực bên xin tiền, có kẻ bị lở lói đến phát sợ - Thành phố nơi tôi cư ngụ là vùng biển nên phát triển xây dựng rất mạnh, tôi cứ ngỡ mình đi lạc vào miền đất hoa lệ của nơi nào mỗi khi chạy xe vào các ngã đường mới lạ đầy hoa đèn rực rỡ về đêm, thành phố nơi tôi ở nhà hàng ăn uống và quán cà phê là không đếm nổi, vùng biển đất đai phì nhiêu nên có những cửa hàng rộng lớn ngoài sức tưởng tượng kềm theo trang trí bên trong bên ngoài rất tốn kém và thẩm mỹ - Nhưng nếu so sánh với hòn ngọc viễn đông thì Sài Gòn vẫn huyên náo và tấp nập hơn, những dãy billding cao tầng, những cơ sở đồ sộ hiện ra trước mắt tôi hai bên đường lộ đi vào Sài Gòn nhiều không thể tả, không hiểu sao bây giờ quê hương tôi lại lắm người giàu có như thế, nhưng kẻ nghèo hèn cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc tôi cũng gặp không ít…Tôi thấy buồn và thương cho đồng bào của tôi, cuộc sống nhiều người vẫn còn lam lũ lắm, sáng chạy ăn buổi trưa, trưa chạy ăn buổi chiều, tương lai một vùng đen tối, con cái nheo nhóc đói khổ thiếu thốn mọi bề, bù lại có những người xài tiền như vung qua cửa sổ, chạy xe hơi đời mới Mercedes, BMW, Lexus…Thành phần ăn chơi đàng điếm quá nhiều nên căn bệnh thế kỷ tăng vọt, trên đường phố Sài Gòn xa xa lại thấy bảng hiệu Cơ quan điều trị HIV – Tôi có chị bạn thân chuyên nghề xem tử vi, bói toán đã gần 40 năm nay, chị xem bói nổi tiếng ở vùng tôi nên ngày xưa khi tôi chưa qua Mỹ chị đã nhiều lần bị công an bắt nhốt vì tội xem bói quá đông khách rồi nào là mê tín, dị đoan, nào là làm ảnh hưởng an ninh làng xóm… Các tội danh kia đã làm phiền toái cho công ăn việc làm của chị khá nhiều và chính tôi là người đã bỏ tiền túi ra lãnh chị về - Bây giờ tình bạn vẫn khắng khít như xưa có lẽ do tình nghĩa cũ, kỳ này tôi về chị đến chơi nhiều lần và kể chuyện cho tôi nghe khiến tôi phải rùng mình dựng tóc gáy… chị nói : hôm qua có bốn cô bé trông rất mi nhon và xinh xắn, mặc mini rup và đầm rất đẹp đến xem bói, mình cầm quẻ bài lên thấy hiện ra điều lạ lùng quái gỡ nên căn vặn hỏi các em, cả 4 em đều xác nhận bị nhiễm HIV nên bây giờ phải ăn diện thật đẹp để đi trả thù dân tộc, trả thù đàn ông … Các anh Việt Kiều sợ chưa, đừng thấy đẹp thấy xinh có khi lầm chết đấy, tiêu cả cuộc đời trong ân hận thương đau !!!
Ngày trở về Mỹ đã đến, chuyến ăn tết quê hương thoáng qua trong tiềm thức rồi vào quên lãng bởi tôi có được ăn tết đâu, cử ăn toàn bộ các thứ thịt mỡ kho tàu, măng khô hầm gà, củ kiệu, bánh tét, bánh chưng… chẳng được đi đâu ngoài một đêm xem pháo bông gần nhà, một buổi party trước khi về Mỹ - Chuyến bay về Đài Loan để transfer qua Mỹ tôi gặp nhiều cô gái Việt tại phi trường khi chờ máy bay cất cánh, hỏi ra mới rõ toàn các cô lấy chồng Đài Loan và Đại Hàn, có cô kể vui, có cô kể buồn, cô kể cuộc sống sung sướng, cô kể cuộc sống nhọc nhằn… nhìn chung đàn bà con gái Việt Nam làm vợ tứ xứ và lưu lạc khắp năm châu bốn bể, mai hậu người Việt sinh sống khắp hoàn cầu cũng là điều tốt thôi và trong tôi dư âm cái tết quê hương lần đầu được về như vẫn còn tiếc nuối mông lung…
NPNA