Friday, May 20, 2011

Cành Hoa Trăm Tuổi Không Tàn

                                                           Tâm bút : Nguyễn Phan Ngọc An

Từ ngàn xưa đến nay , con người sống được tới tuổi 70 đã được gọi là thọ nên có câu tiền nhân để lại “ thất thập cổ lai hi”- Vũ trụ dường như cũng có phần tiến triển đổi thay nên đôi lúc có những người thọ đến 80 hoặc 90, nhưng hầu hết họ kéo lê tuổi thọ trong già yếu bệnh hoạn lê thê hay bất đắc chí chán nản chờ ngày về với tổ tiên thôi … Nhưng tại thành phố văn hóa miền Bắc Cali có một nhà văn thơ nữ đã thành danh từ mấy thập niên qua, bà sống khép kín trong cảnh cô đơn với tuổi đời chồng chất – Thơ văn bà đã tung bay khắp vòm trời hải ngoại hiện nay và cả trong nước thời đệ nhị Cộng Hoà … Ðến nay bà đã 99 tuổi vẫn miệt mài làm thơ, viết văn, soạn kịch, chủ trương những tuyển tập viết chung, tổ chức những buổi sinh hoạt, những buổi ra mắt sách, gần đây nhất là bà đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “ BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” và cuốn truyện ngắn “ BÓNG CỚ NUƠNG TỬ” hiện vẫn chưa có cơ hội trình làng hai cuốn này dù đã in ấn mấy năm rồi nhưng hiện tại hết sạch chưa có dịp tái bản …

Cụ bà Trùng Quang, chúng tôi trân trọng để viết về bà, một nữ lưu hiếm có trong trời đất, triệu người may ra được một mà thôi …
Bà tên thật là Lê Thị Tuyên, sinh năm 1912, bút hiệu Trùng Quang, bà viết văn làm thơ từ trên nửa thế kỷ tại Hà Nội, bà sinh trưởng tại miền Bắc và thú vui của bà từ dạo còn xuân thời là viết văn và làm thơ tiêu khiển nên đã không ít báo chí thời đó biết đến tên tuổi của bà.

Sau khi bà di tản từ Bắc vào Nam, bà cư trú tại thủ đô Sài Gòn, thời gian di tản bỏ hết tài sản lại miền Bắc, bỏ hết những người thân yêu, mất quê hương yêu dấu nơi đã sinh trưởng ra bà, nơi cho bà bao kỷ niệm thân thương, bà đau buồn sinh bệnh và từ đó người thi văn sĩ này đã dường như mất trí nhớ , các Bác Sĩ chẩn đóan bà bị bệnh thần kinh nên đã làm thủ tục đưa bà sang Nhật chữa trị.
Thời gian sống tại nước Nhật bà đã học nói tiếng Nhật và viết Nhật Ngữ như những sinh viên du học thời đó. Ðặc biệt hơn bà đã bỏ công sức nghiên cứu về văn hóa nước Nhật, nhất là về tư tưởng và đời sống của giới phụ nữ Nhật – Bà đã thụ huấn tròn khóa học làm “ nhân hình” búp bê tại nước Nhật và đã thành công được khen ngợi từ những giáo sư chuyên nghề mỹ thuật đã dạy nghề cho bà.
Về lại Sài Gòn sau hai năm học nghề học chữ và di dưỡng tâm thần tại Nhật, cũng là một điều rất đặc biệt là khi bà nhìn được nền văn hóa của nước người, ý chí và niềm tin thúc đẩy tâm hồn yêu chuộng văn hóa đến tột đỉnh, bệnh thần kinh đã chấp cánh xa bay, trả lại cho bà những ngày tháng xa quê tâm hồn bình yên . Khi về nước bà sáng lập ra xưởng làm búp bê tại thủ đô Sài Gòn cốt để tuyên truyền và vinh danh tà áo dài của phụ nữ Việt Nam vì tất cả hình dáng búp bê đều phục sức bằng chiếc áo dài tha thướt của quê hương Việt Nam, do đó bà mới chủ tâm đặt tên là xưởng Búp Bê Văn Hóa.
Lúc đó vào thập niên 50 - 60, bà gia nhập thi đoàn Quỳnh Dao, một thi đoàn toàn nữ giới là thi nhân do bà Cao Ngọc Anh sáng lập - Vào thời đó, thơ văn rất được trọng vọng nên bà được mọi người mọi giới quý trọng – Cho đến ngày nay học viên của bà phần đông định cư các nước trên thế giới và Hoa Kỳ, quý trọng yêu thương bà có dịp là tìm đến thăm viếng bà – Ðó là niềm an ủi cho bà vui trong cuộc đời còn lại .

Thời gian trôi qua trong niềm vui hàng ngày chăm sóc và dạy kềm nghề nghiệp cho học sinh, bà cũng quên đi nỗi trống vắng trong tình cảm riêng tư, bà đúng là một người phụ nữ tiết hạnh khả phong, ở vậy thờ chồng, làm việc lợi ích cho xã hội, bà chưa hề để mang một tai tiếng gì dù là một góa phụ cô đơn khi tuổi còn xuân sắc – Nha Tiểu Công Nghệ và Nha Mỹ Thuật của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó thấy sự thành công của  Búp Bê Văn Hóa và thấy được tài năng của bà đã mời bà cộng tác với chính phủ để mở thêm các cơ sở lớn rộng hơn nhưng bà đã từ chối, bà sống khiêm cung, không tham vọng, chỉ vui với những gì chính bà đã tạo ra.
Với bản tính hoạt động tích cực vào lãnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà, sau nhiều năm công nghệ Búp Bê đã thành công bà đứng ra sáng lập trường dạy về nữ công gia chánh với tiêu đề “ Trường nữ công “PHƯƠNG CHÍNH” ngay tại thành phố hoa lệ Sài Gòn .
Trường Phương Chính chuyên dạy Việt Ngữ, Sinh Ngữ, Nữ Công, về nữ công có các lớp : May, thêu, làm bánh, nấu ăn, cắm hoa, đàn Piano, trang điểm, uốn tóc… Bà còn mở thêm các lớp dạy Anh Ngữ, Pháp Ngữ và Nhật Ngữ … các lớp đều có các giáo sư chuyên môn phụ trách giảng dạy - Tổng cộng có 15 giáo viên phụ trách trường Phương Chính. Trường Phương Chính thời ấy đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục khen thưởng và công nhận ngang hàng với các trường Trung học dạy chữ, bà đã được lãnh ba bằng khen ngợi vinh danh từ các đơn vị cao cấp của chính phủ VNCH - Bằng cấp tốt nghiệp của trường Phương Chính có giá trị qua các nước Tây Âu như nước Pháp chẳng hạn. Trường Phương Chính ban ngày chuyên dạy về những môn học trên, ban đêm còn dành thì giờ dạy thêm chữ quốc ngữ cho trẻ em và cả phụ nữ nhà nghèo không có tiền và không có phương tiện đến trường ban ngày.
Nói về nữ văn thi sĩ Trùng Quang thì ai cũng một lòng thương kính và ngợi khen, một tâm hồn phụ nữ Việt Nam hiếm có, một tinh thần cao quý vững chãi khác nào nam nhi chi chí , cuộc đời bà đã dành trọn cho văn hóa cho nghệ thuật đến tuổi 99 vẫn không ngừng hoạt động mà lại còn hoạt động thật tích cực… Ðã nhiều lần bà bàn thảo với nhóm chị em phụ nữ chúng tôi những hoài bão trong thâm tâm mà bà chưa thực hiện hoặc không thể thực hiện một mình với số tuổi quá cao, chúng tôi ai cũng nể phục tâm hồn cao cả của bà và luôn xem bà như người mẹ thương kính của mình.

Trong suốt thời gian xây dựng và phụ trách xưởng Búp Bê Văn Hóa và Trường Nữ Công  Phương Chính, trường đã đào tạo thành công, thành danh rất nhiều học viên, có những người du học nước ngoài thỉnh thoảng về thăm bà trong tình thương yêu tôn kính, nhưng mọi việc có bao giờ được êm xuôi mãi như hoài bão trong tim óc con người, rồi bà cũng phãi khăn gói ra đi tìm tự do, tìm đất sống nơi phương trời vô định … Bỏ tất cả vì lý tưởng chung, vì thời cuộc đất nước, bà ra đi với hai bàn tay trắng, hiện nay căn nhà của bà với 4 tầng lầu tại thủ đô Sài Gòn vẫn còn đó nhưng đã thay tên đổi chủ từ dạo bà bỏ nước ra đi cách nay gần 30 năm dài đăng đẵng.
Người phụ nữ tài hoa này khi vượt biên đã được tàu Pháp cứu vớt đưa về nước Pháp cho định cư tạm, tên gọi con tàu là “Tàu Ánh Sáng”- Vào đảo được mấy ngày bà bị chứng bệnh tê thấp đau nhức cả người không hoạt động đi đứng được, bà chỉ còn một hoạt động duy nhất bằng tim óc và bàn tay năng nổ cho văn học nước nhà, thế nên thời gian còn nằm trong bệnh viện bà đã viết nhiều bài về giá trị cho cuộc chiến Việt Nam, cuộc nội chiến tương tàn nồi da xáo thịt lẫn nhau, một cuộc chiến đã làm đau thương chủng tộc, đau đớn trái tim bà trong suốt thời gian cư ngụ trên đất Pháp - Ðặc biệt bà đã phụ trách một mục quan trọng trong tờ báo bán nguyệt san tại miền Ðông nước Mỹ với tiêu đề “ NGÀN TRÙNG XA CÁCH HỎI TIN NHAU” trong mục này bà luôn luôn viết về những giai đoạn thăng trầm khổ đau của người Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ, những câu chuyện thật đã xãy ra cho cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm không ít người Việt lưu vong rơi lệ !

Một thời gian dài định cư tạm nơi nước Pháp, bà được sang Hoa Kỳ và từ đó bà lại tiếp tục nghiệp văn thơ, viết với cả sự say mê không giả tạo, ngoài những giờ giấc dành cho sinh hoạt bản thân bà còn dành thì giờ đi học các lớp ESL và College của các trường Anh Ngữ tại miền Bắc California, một ý chí đáng khâm phục, một tâm hồn luôn muốn vươn lên và tiến thân không ngừng nghỉ, bà chỉ mới bỏ trường khi tuổi đang dần vào cửu thập niên. Bà đã làm nhiều bài thơ xướng và được các thi hữu nhiệt tình họa lại, có khi đến cả  60 bài họa lại từ các thi hữu quý mến bà.
Bà đã chủ trương cuốn thơ “Ðồng Tâm Hội Bút” năm 1987 gồm 142 tác giả tham gia phần đông là những thi nhân đã thành danh của nhiều thập niên qua. Năm 2003 bà đã được lãnh giải thưởng danh dự với bài văn “ VIẾT VỀ NƯỚC MỸ” do tờ Việt Báo Kinh Tế miền Nam Cali tổ chức – Năm 2004 bà cho xuất bản cuốn “BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” đây một thành quả hiếm hoi trên vũ trụ này khi một con người hăng say làm việc văn hóa với số tuổi quá cao - Cuốn Bình Ngô Ðại Cáo ghi chép về danh nhân Nguyễn Trãi, viết về thành tích chiến thắng chống xâm lăng của ông - Khi bà cho trình làng đã được đông đảo độc giả khắp bốn phương ủng hộ nên hiện tại không còn và có lẽ trong thời gian gần đây bà sẽ cho tái bản theo yêu cầu của một số đông độc giả gần xa. Kềm theo cuốn sách còn có một bức tranh đúng theo văn bản bằng chữ Hán - Bản chữ Hán này được các chuyên gia sưu tầm tại viện Bác Cổ bên nước Pháp.vì khi quân đội Pháp rời Việt Nam đã mang theo tất cả tài liệu văn học Việt Nam về nước Pháp -  Ðây là một công trình giá trị văn học mà chắc chắn đồng hương hải ngoại phải khâm phục ý chí vượt bực của bà, mấy ai cuộc đời gần một thế kỷ mà vẫn không ngừng hoạt động.

Năm 2006 vừa qua, cụ lại bỏ công sức chủ trương cuốn truyện ngắn “ BÓNG CỜ NƯƠNG TỬ”gồm tất cả tác giả là nữ giới khắp nơi đóng góp những truyện ngắn, tùy bút, bút ký, hồi ký … Nội cái tên của tuyển tập văn này cũng đã nói lên cái ý chí bà Trưng, bà Triệu oai phong lẫm lẫm trong nội tâm bà - Dự tính bà sẽ cho trình làng vào đầu năm 2007 nhưng xui rủi sau đó bị té thang lầu chấn thương phần xương phải nằm điều trị mất 3 tháng liền tại bệnh viện miền Bắc California - Bà còn đang dự tính tiếp tục thực hiện cuốn 2 với những cây bút nữ giới đông đảo hơn, chúng ta hãy chờ xem người phụ nữ tài hoa này bao giờ mới chịu ngưng nghỉ hoạt động cho nền văn hóa Việt Nam, phải thành thật mà nói rằng bà Trùng Quang là một biểu tượng đáng quý và hiếm có trong nền văn học Việt Nam, bà xứng đáng là người mẹ tinh thần cao cả của lớp tuổi hậu sinh chúng tôi.

Tôi xin thay mặt một số anh chị em thi văn hữu thân thích để viết bài “ CÀNH HOA TRĂM TUỔI KHÔNG TÀN” nhằm mục đích vinh danh nhà văn nhà thơ tài hoa Trùng Quang cả một đời dành cho sự nghiệp văn chương Việt Nam, bà mãi là một đóa hoa thơm trong làng văn học đến trăm tuổi vẫn không tàn.

Sau đây thân mời quý độc giả thưởng thức một vài bài thơ tiêu biểu qua bút pháp của nữ văn thi sĩ Trùng Quang :


Bài thơ độc vận

“ Vườn ai hoa bưởi đã thơm lừng
Biếc nụ tầm xuân hoa nhớ không ?
Tản mạn phương trời mây trắng lướt
Mầu cờ ươm nắng gió bay tung
Con thuyền hồ hải đương đầu sóng
Tìm bến phương nào nước ngọt trong
Tâm hướng chẳng phai mầu sắc cũ
Chén mừng xuân mới tạm vui chung
Vui chung để nối tình đồng đạo
Gốc bể chân mây bước não nùng
Mài kiếm nhìn trăng nào mấy kẻ ?
Cùng chung tâm tưởng chuyện non sông
Sương nhuộm mái xanh, đầu trắng bạc
Biển trời man mác ngẩn ngơ trông
Mười hai con giáp lần thay đổi
Chả lẽ riêng mình … con số không ?
Kià trẻ nhỏ vui chơi ngựa gỗ
Khoe tài quyết chí vượt tây đông
Lòng em hãnh diện về thanh sử
Oanh liệt ngàn xưa … giống Lạc Hồng
Này tích vua Hùng xây dựng nước
Trưng Vương, Triệu Nữ với Quang Trung
Ngây thơ ta ước như con trẻ
Hay cũng vô tri tựa gốc tùng
Sừng sững đầu ghềnh đùa cợt gió
Dở, hay, thành, bại… cũng là không
Nhưng ôi ! Người chẳng là cây cỏ
Khối óc, con tim nặng trĩu lòng
Dám chắc ngày mai trời lại sáng
Vườn nhà lựu thắm lại lên bông

Trùng Quang 2000


Ngắm trăng nhớ bạn Quỳnh Dao

Trăng vẫn là trăng của chúng ta
Mỗi tuần mười sáu tại quê nhà
Diễm kiều khung biếc treo gương ngọc
Thanh nhã đài hương tỏa ánh ngà
Ngấn bạc hàng hàng gieo biển sóng
Tia vàng lớp lớp đọng ngàn hoa
Ðêm nay sương lạnh ngùi thương nhớ
Sầu ngập tình thơ nét bút nhòa .

Trùng Quang 1990

Trăng sáng tình quê
            ( bát cú thiên hoàn thuận nghịch)

Nhớ ánh diệu huyền soi bước ta
Nhớ gương hiền dịu ngự muôn nhà
Hòa sương thu biếc nơi lều cỏ
Ẩn khói xuân xanh chốn tháp ngà
Ngọc rắc vườn thơ Quỳnh trắng nụ
Son tô xứ mộng Cúc vàng hoa
Hương quan dài giấc mơ canh vắng
Chốn cũ người xưa nét chẳng nhòa

Chốn cũ người xưa nét chẳng nhòa
Bao mùa lá đổ mấy mùa hoa
Bến quê trăng lạc sương mờ trắng
Quán khách đèn chong tuyết úa ngà
Hỏi bóng còn tròn in đáy nước
Và tơ vẫn mảnh lướt bên nhà ?
Gió đàn vang mãi cung phiêu hận
Dằng dặc đêm trường ta với ta

Dằng dặc đêm trường ta với ta
Ngẩn ngơ nghĩa nước với ân nhà
Thôn xưa xán lạn khung mây gió
Lối cũ thanh tao nét ngọc ngà
Cám cảnh ly hương sầu kết trái
Chờ tin phục quốc bút lên hoa
Thái bình một dải chung dòng biếc
Ðôi mảnh trời chia khói sóng nhòa

Ðôi mảnh trời chia khói sóng nhòa
Gốc đào đã trổ mấy lần hoa
Gió sương còn vững trang thơ gấm
Sắt thép nào nghiêng cán bút ngà
Úa cánh sao khuya thuyền cách bến
Tím phương trời lạ khách xa nhà
Lòng mang nặng mối hờn ly quốc
Gió hắt hiu sầu theo bước ta

Gió hắt hiu sầu theo bước ta
Dẫu coi bốn bể cũng như nhà
Vương tơ tằm nhớ cành dâu biếc
Tung cánh chim thương cội trúc ngà
Man mác bầu không mây dựng lũy
Dạt dào gương nước sóng sôi hoa
Mười phương chín hướng đầy nhung nhớ
Trải mấy thời gian cũng chẳng nhòa

Trải mấy thời gian cũng chẳng nhòa
Vườn hương lan huệ lộng màu hoa
Chọn câu hiếu nghĩa làm khuôn mẫu
Giữ nếp thanh cao thế ngọc ngà
Cách núi chia sông chung xót nước
Rời Nam lià Bắc những thương nhà
Giờ đây bao nẻo đường chia ngả
Ta nhớ người xa … ai nhớ ta ?

Ta nhớ người xa … ai nhớ ta ?
Vương vương giao cảm đến muôn nhà
Trang thơ son mộng thêm màu thắm
Vườn hạnh trăng mơ tỏ ánh ngà
Trời biển tâm tình trao cánh nhạn
Ðông Tây thương nhớ mượn tờ hoa
Tinh cầu dù xẻ làm đôi nữa
Thì khối băng thanh cũng chẳng nhòa

Thì khối băng thanh cũng chẳng nhòa
Giữa trời thuần khiết một khung hoa
Những mong nhạc trổi nơi ngàn tiá
Hằng ước thơ bay chốn đỉnh ngà
Chưa đủ cang tràng xây dựng nước
Thời mang tâm não điểm tô nhà
Mai kia gió chuyển sang chiều mới
Trăng lại cười duyên với chúng ta

Trùng Quang 1985

RA ÐI XIN HẸN NGÀY VỀ
      Viết tặng các chiến sĩ QLVNCH

Nhớ buổi rời quê giữa mùa phượng đỏ
Ánh chiều u mờ mặt biển mông mênh
Nước và trời vần vũ bóng mây thành
Bến tống biệt sóng đưa lời nức nở

Dòng thăm thẳm cuồng say dâng nhịp vũ
Mái lá, bờ xanh ẩn hiện màn sương
Ðường phiêu lưu, ôi…muôn ngả ngàn phương
Cành lá nghiêng nghiêng tiễn người xa nước

Tâm tình phong nguyện
Phận đời gắng bước
Sầu nặng hàng mi
Hành lý nhẹ vai

Bước chia ly, oán, thù, thương, nhớ…đầy vơi
Nhưng, thầm hẹn một ngày mai trở lại
Ngày mai, người chân chính dựng ngọn cờ chân chính
Vì Quốc Gia trừ bạo ngược cứu toàn dân

Lúc đó, giữa tiếng súng, ánh gươm
Ta mang lời đẹp viết thành văn
Hịch Chiến Thắng vang vang dưới tia trời rực rỡ
Hoa nở khắp vườn xưa và lối cũ
Hương thân yêu quyện tà áo người quen
Trăng thanh bình muôn thuở sáng thâu đêm
Ðoàn trẻ nhỏ vui ca bài dân nguyện
Này mái đình xưa, nhịp cầu thân mến
Gốc tre già, cây đa cổ vươn lên
Má thắm hồng cô thôn nữ thêm duyên
Gót thanh thản bên đường đầy lúa ngát

Bao nét dịu hiền
Bao tài kinh quát
Bắt tay nhau khai thác đất đai xưa
Gió lành đẹp nắng, tươi mưa
Bút Hồi Trang viết lời thơ … Thịnh Bình

Trùng Quang - Cảm tác ngày 30-04-2010
Kỷ niệm ngày vượt tuyến

Tình yêu nhân loại cao cả và bất diệt hơn mọi thứ tình cảm tầm thường khác ngoại trừ tình yêu cha mẹ và thầy cô – Dân tôc Việt Nam vốn dĩ là một dân tộc trọng nghĩa quý tài tự ngàn xưa và giữ gìn mãi đến bao thế hệ vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp ấy vì nó đã ăn sâu trong huyết quản mỗi con người – Những người cầm bút tô vẽ cho cuộc đời những bức tranh thơ ngoạn mục, những câu văn thi vị, những dòng chữ kết nối lịch sử, những dấu ấn kỷ niệm theo những thăng trầm năm tháng của đất nước non sông… không những thế người cầm bút còn dùng ngòi bút sắc bén để thay thế gươm đao, là tiếng thét gào từ vực thẳm đau thương, là ân tình thủy chung muôn thuở, là chữ hiếu, chữ trung bất khuất một giống nòi Hồng Lạc trải bao nghìn năm văn hiến vẫn giữ gìn tồn tại văn hóa Việt Nam, trải qua bao biến đổi thương đau chiến tranh loạn lạc, máu chảy thành sông, xương phơi thành núi vẫn ôm trong tim ngôn ngữ của Mẹ Việt Nam đến hơi thở sau cùng …
Nữ sĩ Trùng Quang còn hai năm nữa sẽ tròn một trăm tuổi, cái tuổi thọ mà ít ai có được, phải gọi là thượng thọ mới đúng – Chúng ta hãy chung nhau lời chúc mừng cụ Trùng Quang sống trường thọ, trường trường thọ để chúng ta còn có dịp đến thăm người, hãnh diện về một nữ sĩ tài hoa, suốt cuộc đời dành cho sự nghiệp văn chương đến tuổi 99 vẫn không ngưng tô thắm tình người qua bút pháp trong sáng nhẹ nhàng mà tuyệt diệu…
Thung Lũng Hoa Vàng đêm nay trời trong xanh mát dịu, những đợt gió cuối hạ không còn nóng bức như những tháng qua mà êm ả dịu dàng vuốt ve từng mái tóc làn da gây cho chúng ta cảm xúc lâng lâng, yêu người, yêu đời yêu cả khung trời hoa mộng xung quanh. Dù nơi đây không là quê hương Việt Nam yêu dấu nhưng nếu còn sống là niềm mơ ước một ngày trở lại quê hương còn tràn trề hy vọng trong ta, hãy chấp nhận nơi này là quê hương thứ hai để vui sống với chuổi ngày còn lại, để gặp nhau, để tâm tình cởi mở, để yêu thương đùm bọc, để nhân ái thứ tha vì cuộc đời con người chỉ một kiếp mà thôi, lại không tránh khỏi tai ương của tạo hóa “ sinh, lão, bệnh, tử” và đương nhiên “ sinh có hạn, tử vô hạn”-
Vầng trăng khuya đêm nay đang lã lướt cười đùa với nhân gian, không gian như đang chìm đắm trong niềm ước mơ vô tận của một thi nhân… Tôi đến thăm nữ sĩ Trùng Quang giữa đêm khuya và báo tin sẽ tổ chức một buổi chúc thọ và vinh danh cụ, cụ cười mà hai giọt lệ rơi xuống gò má hao gầy rồi thì thầm như nhắn gửi lời cảm tạ chân tình “ cảm ơn NA, cảm ơn tất cả các bạn thơ, bạn văn đã cho tôi niềm vui và hy vọng sống thêm vài năm nữa” – Không vài năm mà mười năm nữa cụ ạ - Tôi nhanh nhẩu đáp lời rồi ôm cụ hôn lên vầng trán nhăn nheo, hôn lên đôi bàn tay gầy guộc nhưng có sức mạnh vạn năng và tôi chắc chắn cho đến hơi thở sau cùng cụ vẫn làm thơ vẫn viết truyện vì nó là máu là tim của cụ.

NPNA 

No comments:

Post a Comment