Friday, May 20, 2011

GIẤC NGỦ TRÊN ÐỒI XANH

Tâm bút  : Nguyễn Phan Ngọc An


Ba mươi lăm năm lưu lạc xứ người, sự thành đạt của người Việt lưu vong tương đối cũng khá nhiều nhưng cũng không phôi pha được những nỗi mất mát chia xa – Các nhà tranh đấu, các chính trị gia, các danh nhân, các văn nghệ sĩ,nhạc sĩ, ca sĩ , … lần lượt theo con tạo xoay vần giã từ trần lụy ! Nhưng dường như suốt ba mươi lăm năm lưu vong những người sống nhiều về tâm hồn thường ra đi quá sớm chẳng hạn như những ca nhạc sĩ - Người viết bài này với một mối thân tình và trong khung cảnh nhỏ hẹp thôi  – Tôi viết về một người nhạc sĩ đã ra đi, người đó chính là ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh.
Năm đó, khi tôi vừa định viết thì mở trang net lại thấy tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền lâm chung, tôi và N/S Nguyễn Hiền rất thân tình, ông đã từng tổ chức cho tôi nhiều buổi sinh hoạt văn học tại miền Nam Cali, nói đến ông ai cũng thấy ngay rằng ông là một người nhạc sĩ đức độ khiêm cung hiền hòa trong xử thế. Có một lần khi ông đến nhà vợ chồng Tùng vào một buổi sáng sớm để gặp tôi bàn về việc ra mắt sách của tôi ngày chủ nhật tới mà ông là người tổ chức - Vừa bước vào nhà ông thấy Tùng với mái tóc trắng phau, ông vội vã cúi gập người xuống và chào “ lạy cụ ạ” – Lúc đó, Tùng lính quýnh cũng vội vã cúi gập người xuống và thưa “ lạy cụ ạ” – Tôi và Kim Nguyên vợ của Tùng cười vỡ cả bụng khi thấy hai người chào nhau như thế bởi vì Tùng chỉ khoảng 50 tuổi nhưng mái tóc trắng phau như tuyết tuy nước da vẫn hồng hào và nhìn kỷ vẫn còn phong độ. Thế là tôi phải đứng ra giới thiệu hai người với nhau và nói rõ với nhạc sĩ rằng Tùng chưa thành ông cụ .
Tôi còn một kỷ niệm nữa với N/S Nguyễn Hiền là khi ông tổ chức sinh nhật thứ 75 vào năm 2001 tôi đã đi xe đò xuống tham dự ngày sinh nhật của ông và ở lại hôm sau trở về San Jose, ít ra là chỗ thân tình lắm tôi mới lặn lội như thế … Tôi đã lên tặng ông bà Nguyễn Hiền một bó hoa thật lớn trong đêm sinh nhật và đọc bài thơ tôi viết tặng nhạc sĩ  ngày sinh nhật :

ÐIỂM HOA CHO ÐỜI

Nơi đây đang cuối mùa đông
Hoa xuân đua nở trong lòng tha nhân
Nắng xuân thêm ấm bội phần
Hương xuân thoang thoảng như gần bên ta
Chúc mừng nhạc sĩ tài hoa
Vắt tim nặn óc điểm hoa cho đời
Cung trầm cung bổng chơi vơi
Bút hoa sáng tạo rạng ngời non sông
Cao niên người vẫn tươi hồng
Rải hoa bác ái tưới trồng thiện căn
Văn chương lỗi lạc trời ban
Nguyễn Hiền tô nét son vàng sử xanh
Chúc người trọn giấc mộng lành
Trăm năm tuổi thọ toại thành ước mơ
Gửi lòng ngưỡng mộ vào thơ
Danh thơm sáng mãi bên bờ tự do.

( Kính tặng Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền sinh nhật 75)

Phần đông trong chúng ta mỗi độ xuân về không ai không thuộc bản nhạc bất tử của nhạc sĩ Nguyễn Hiền “ Anh Cho Em Mùa Xuân”, bản nhạc này đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam mấy thập niên qua và tết đến là tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Hiền như nở rộ giữa mùa xuân mới.
Tôi rất buồn khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền ra đi và lại càng buồn hơn nữa khi nhớ đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng đã ra đi cách đây mấy năm – Vì thế tôi có bài viết này để kỷ niệm cùng hai nhạc sĩ mà tôi quý trọng thân tình nhất.

Ngày tôi gặp lại anh chị Nhật Trường cách nay 13 năm tại miền Nam Cali nơi cửa hàng băng nhạc cuả anh - Trước 1975 tôi đã từng gặp và ái mộ khi anh lên sân khấu trình diễn, còn Mỹ Lan tôi đã từng ở chung một chung cư Kỳ Ðồng với nàng khi còn ở Việt  Nam và hàng ngày vẫn nhìn nàng chưng diện đi hát các tụ điểm ca nhạc, thời bấy giờ Mỹ Lan đang nổi bật với hai bản nhạc “ Lá Còn xanh” và “ Tình Yêu Trên Những Giếng Dầu” – Tôi đã quen Mỹ Lan ở ngoài hiền hậu dễ thương, khi lên sân khấu nàng trẻ trung và nhí nhảnh, nàng vừa hát vừa nhảy làm say mê khán giả bởi dáng dấp cao ráo vừa hát vừa nhảy lại vừa cười với nụ cười duyên dáng xinh đẹp – Thú thật lúc đó tôi rất mê Mỹ Lan qua những show mà nàng trình diễn.
Năm 1997 tôi có dịp xuống miền Nam Cali và đã đến thăm anh chị Nhật Trường - Mỹ Lan – Chúng tôi đã chụp chung với nhau những tấm hình lưu niệm có cả nhà danh hoạ Vũ Hối và nhà văn Trầm Mộng Bằng tức Lâm Thùy Giang cùng đến thăm anh chị Nhật Trường hôm đó – Chúng tôi không thể quên món Bún Bò Huế sát cạnh tiệm mà anh chị Nhật Trường đã đãi chúng tôi – Một thời gian sau, tôi cũng đã trở lại nhà anh chị thăm bác gái khi bác từ Việt Nam sang chơi lúc ấy Mỹ Lan đang mang bầu bé Chí - Những kỷ niệm thân thương nầy đã dấy lên trong ký ức tôi ngay từ khi được tin Ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh vừa mất !
Ca nhạc sĩ Nhật Trường tên thật là Trần Thiện Thanh, bút hiệu TTT, Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn và Nhật Trường.
Anh sinh tại Phan Thiết năm 1941 – Anh vào Sài Gòn sinh sống nghề soạn nhạc và ca hát năm 1958 trong bước đầu đầy khó khăn và gian nan. Thời gian chịu đựng qua đi, sau đó một thời gian anh bỗng nhiên sáng rực và trở thành một tên tuổi nổi bật trong làng âm nhạc Việt Nam thời đó. Mỗi khi anh lên sân khấu là tiếng vỗ tay như pháo tết, anh hùng dũng hiên ngang trong bộ quân phục, anh đa tình lãng tử trong bộ veston màu nhạt, có đôi khi anh vô cùng tài tử trong bộ quần áo nghệ sĩ phong trần nhưng trông rất đẹp trai, thời ấy anh là thần tượng của giới trẻ, là mơ ước của các nàng nữ sinh, các người đẹp - Ở anh nhìn thấy một nét rắn rỏi pha đôi chút khắc khổ của đàn ông, đó là điểm đã làm anh nổi bật trong giới âm nhạc mềm và lã lướt kia - Cuối năm 1960 anh cùng Hùng Cường, Chế Linh thường mặc quân phục trình diễn trên sân khấu với những bài ca về lính do Trần Thiện Thanh sáng tác, thời ấy là thời nhạc lính bắt đầu sống dậy mạnh mẽ trong dòng nhạc của anh mặc dù anh còn rất trẻ, và khán giả rất say mê những buổi trình diễn có Nhật Trường - Một lần vào dịp tết, tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ , anh đã hát liên tục 4 bài nhạc viết về lính của anh theo yêu cầu của đông đảo khán giả tham dự - Ðầu năm 1961 anh lập ra ban tứ ca gồm Nhật Trường và ba giọng ca nữ phụ họa là Như Thủy, Vân Quỳnh và Diễm Chi, các nàng này chuyên hát phong trào du ca của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, Miên Ðức Thắng, Nguyễn Ðức Quang, Bùi Công Thuấn và Trần Thiện Thanh … Anh là ca sĩ chính trong các bài trình diễn, ba cô chỉ hát phụ họa bài hát thôi – Sau đó một thời gian Nhật Trường thực hiện một nhạc cảnh rất sống động diễn xuất chung với nữ ca sĩ Thanh Lan về khí thế một anh hùng mũ đỏ Ðại Úy Dù Nguyễn Văn Ðương vừa nằm xuống cho quê hương rất ngoạn mục và xúc động toàn bộ người tham dự tại sân khấu cũng như sau này lên thành phim ảnh - Thời đó tôi cũng rất say mê cặp hát chung Nhật Trường & Thanh Lan này lắm, anh có một chất giọng trầm ấm trữ tình và rất sang, chị Thanh Lan thì trong trẻo nhí nhảnh và mượt mà trau chuốt mỗi lời ca mà lại xinh đẹp nữa nên cặp ca sĩ này thời đó rất ăn khách trong làng âm nhạc Việt Nam.

Có lần Nhật Trường tâm sự với bạn bè rằng lúc nhỏ anh rất mê được ca hát, nhưng cha mẹ anh nghe ca hát là la rầy  không đồng ý còn bảo là “xướng ca vô loại” nên cấm ngặt anh – Anh buồn vì ước mơ không toại nguyện nên đêm khuya không ngủ và đợi mẹ cha đã yên giấc điệp anh ngồi hát nghêu ngao một mình suốt mấy giờ liền những bài ca đã thuộc nằm lòng của các nhạc sĩ nổi tiếng thời đó, nên khi xuống Sài Gòn bắt đầu cho sự nghiệp ước mơ anh chọn ngay bút hiệu Nhật Trường để nhớ về những ngày dài vời vợi chờ đêm đến để được nghêu ngao ca hát một mình.
Nhật Trường gia nhập vào sự nghiệp ca hát chỉ một thời gian rất ngắn đã nổi tiếng khắp nơi trên các tụ điểm ca nhạc, đài phát thanh và trên làn sóng tivi màn ảnh … Do đó anh tiến bước tới soạn nhạc và anh đã thành công vô cùng với những nhạc phẩm viết về lính, viết cho lính, viết cho tình yêu, cho tang thương của đất nước, của chiến tranh nhưng hoàn toàn không ủy mị, mà kiên cường hùng tráng và quật khởi trong từng lời nhạc của anh.  Anh chính là một điểm son đã mang lại niềm tin và hào hùng cho người chiến binh thời đó ! Năm 1973 anh thực hiện cuốn cassette “ Chiến Tranh Và Hòa Bình” đã được giới yêu nhạc yêu tiếng hát của anh ủng hộ thật nồng nhiệt, và đầu năm 1975 anh đang dự định tiếp tục xuất bản cuốn cassette thứ hai với tựa đề “ Biển Sương Mù” nhưng không còn kịp nữa, tháng 4 đen đã vùi chôn bao mơ ước của anh rồi !
Năm 1975, nước mất, anh buồn và mất hẳn sinh khí để ca hát và soạn nhạc, anh bỏ đi xa và sống lặng lẽ như một thân xác không hồn, anh thương đất nước, thương người lính, thương chính cuộc đời mình từ nay đã chịu đau đớn như những lằn roi quất vào da thịt không nguôi, người chiến sĩ tâm lý chiến có một nội tâm sâu thẳm nên đã ẩn dật bao nhiêu năm dài không xuất hiện cho đến khi gặp lại anh tại xứ người, nét khắc khổ đã tô đậm lên sắc diện anh, ôi một thời trẻ trung hoa mộng đã bỏ anh rồi, người ca nhạc sĩ lừng danh bây giờ phải tìm cách mưu sinh vật lộn với cuộc sống mới, những thương đau trong tâm hồn đã khiến anh hững hờ với âm nhạc tuy rằng thỉnh thoảng anh vẫn cố gắng viết nhạc và cố gắng hát để nghe dòng lệ tuôn trào theo với lời ca nghèn nghẹn trong tâm hồn. Anh gặp Mỹ Lan tại xứ người, nàng cũng ly hương mang niềm đau mất nước, cả hai chung một tâm trạng, chung một nỗi niềm đã khiến dòng nhạc hào hùng của anh sống dậy mãnh liệt và anh đã cùng Mỹ Lan, người bạn đường duy nhất đi cùng trời cuối đất trên đất nước tha hương mang lời ca tiếng hát để nói lên chí khí quật cường, niềm tin vững chãi và tình thương bao la trong tận cùng trái tim anh đã gởi vào những bài nhạc mới mà anh đã cố công viết soạn cho đời, cho thế hệ mai sau.
Nhưng anh đã ra đi không bao giờ trở lại, dẫu biết rằng sinh ký tử quy nhưng thật đau buồn và thương tiếc bởi anh đi trong lúc còn quá trẻ, trên 60 là lúc chín mùi nhất cho sự nghiệp một con người, chắc chắn trong anh còn mang nhiều hoài bão cho quê hương cho dân tộc Việt Nam đang phải lưu vong xứ người - Chắc chắn trong anh đang hy vọng một ngày trở về nơi chôn nhau cắt rún để viết tiếp những dòng nhạc oai hùng cho lịch sử ngàn sau.
Giờ đây anh đã về một nơi xa thẳm, không có loài người để xẻ chia niềm tâm sự, vợ đẹp con xinh anh bỏ lại dương trần và Mỹ Lan, bé Chí sẽ tiếp tục sự nghiệp dở dang của anh, nàng và bé Chí con trai anh đã khiến bao người rơi lệ ngậm ngùi tiếc thương anh qua những lần diễn xuất khắp nơi trên hải ngoại, anh hãy ngủ yên một giấc ngủ nhẹ nhàng và tin rằng bé Chí sau này sẽ nối nghiệp anh và tên tuổi của anh sẽ sống mãi trong lòng nhân loại dù trải qua bao thế kỷ về sau.
Anh đã sáng tác gần 200 bản nhạc vừa cho lính, cho tình yêu và cho quê hương trong thời gian gần 20 năm chinh chiến điêu linh tại đất nước mình, khi ra hải ngoại anh buồn nhiều và mất hẳn nhụy khí viết nhạc nên chỉ sáng tác thêm một số ít bản nhạc mới hào hùng mà thôi, chúng ta không thể để những dòng nhạc bất tử của Trần Thiện Thanh vào quên lãng nên tôi ghi lại nơi đây tên những bản nhạc mà tôi được biết, mong rằng có thiếu sót xin quý độc giả thông cảm cho bởi trong tôi niềm quý mến ái mộ Ca nhạc sĩ Nhật Trường dâng cao từ mấy chục năm qua vì mấy ai vừa là ca sĩ nổi tiếng vừa là nhạc sĩ nổi danh lại hiền hòa đức độ như Nhật Trường Trần Thiện Thanh.
Ai Nói Với Em Ðêm Nay - Anh Không Chết Ðâu Anh – Anh Về Với Em – Anh Nhớ Về Thăm Em – Bà Tư Bán Hàng – Bà Mẹ Trồng Rau – Bóng Nắng - Biển Mặn - Bảy Ngày Ðợi Mong – Bà Mẹ Trị Thiên - Bắc Ðẩu – Bay Lên Cao Ði Anh - Bảy Thế Kỷ Tình Yêu - Biển Sương Mù - Chuyện Hẹn Hò - Chiều Trên Phá Tam Giang - Chiếc Áo Bà Ba - Chuyện Tình Người Ðan Áo – Chân trời Tím - Chờ Ðông – Cho Anh Xin Số Nhà - Chuyện Một Người Ði - Chuyện Tình TTKH – Con Ðường Buồn Chung Thân - Chị Ba Hàng Xanh - Chuyện Lứa Ðôi – Cho Người Vào Cuộc Chiến - Ðồn Vắng Chiều Xuân – Ðám Cưới Ðầu Xuân - Ðộc Hành – Ðôi Ngã Ðôi Ta - Gặp Nhau làm Ngơ – Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh – Giây Phút Giã Từ - Hàn Mặc Tử - Hoa Học Trò – Hoa Trinh Nữ - Hai Sắc Hoa Ti Gôn – Hãy Hứa Yêu Em – Hoa Chiều – Hoa Biển - Hiện Diện Của Em – Khi Người Yêu Tôi Khóc - Không Bao Giờ Ngăn Cách – Không Bao Giờ Quên Anh – Lâu Ðài Tình Ái - Lời Tình Viết Vội - Lời Cho Người Yêu Nhỏ - Lộc Non - Lời Tình Trong Khói Súng – Màu Mũ Anh, Màu Áo Em - Mộng Thường - Một Ðời Yêu Em – Mùa Ðông Của Anh – Mai Lệ Xuân - Một Lần Cuối - Một Lần Dang Dở - Mùa Xuân Lá Khô - Mười Sáu Trăng Tròn - Một lần Bay Thấp Ó Ðen - Người Ở Lại Charlie - Người Xa Người - Người Yêu Của Lính - Nỗi Lòng Thanh Trúc - Người Chết Trở Về - Ngày Ðầu Một Năm - Người Lính Tượng Ðài – Phút Giao Mùa – Phép Nhiệm Mầu – Quá Phụ Ngây Thơ – Rừng Lá Thấp - Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hành Khúc - Tuyết Trắng – Tình Ca Của Lính – Tình Thiên Thu – Trên Ðỉnh Mùa Ðông – Tình Thư Của Lính – Trong Lần Tái Ngộ - Tình Ðầu Tình Cuối - Tạ Từ Trong Ðêm – Tâm Sự Người Lính Trẻ - Thạch Sanh ( Truyện ca) – Tìm Một Vì Sao Nhỏ - Tình Có Như Không – Tình Yêu Thứ Nhất - Trời Chưa Muốn Sáng - Từ Ðó Em Buồn - Từ Nửa Vòng Trái Ðất - Tưởng Người Chết Ði – Tình Yêu Ngộ Nghĩnh - Vết Ðạn Thù Trên Tường Vôi Trắng - Vợ Thằng Ðậu – Xin Em Ðừng Hỏi – Yêu – Yêu Người Như Thế Ðó – Yêu Mơ Và Ghen ..v…v…
Anh còn nhiều bản nhạc lắm nhưng tôi không thể nào nhớ nổi, một người ca nhạc sĩ đa tài như anh nếu số phần không ngắn ngủi anh sẽ còn viết cho nhân loại biết bao nhiêu bản nhạc giá trị ở cuối đời anh – Tôi thật xót xa cho một tài hoa bạc mệnh nên đã viết tặng anh hai bài thơ cho lần tiễn biệt thiên thu bằng cả cõi lòng thương tiếc :


THƯƠNG TIẾC  CA NHẠC SĨ 
NHẬT TRƯỜNG TRẦN THIỆN THANH

Được tin ca sĩ Nhật Trường
Hóa thân vào cõi thiên đường nghìn thu
Tài hoa vùi giữa sương mù
“ NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH” phù du gió ngàn
Xót xa “ ĐỒN VẮNG CHIỀU XUÂN”
Lắng nghe “ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG” gọi về
Cùng “ NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE”
Một vùng “ TUYẾT TRẮNG” chôn “TÌNH THIÊN THU”
“RỪNG LÁ THẤP”  giữa mây ngàn
Một “ CHIỀU TRÊN PHÁ TAM GIANG” xây thành
Và “ ANH KHÔNG CHẾT ĐÂU ANH”
“ KHÔNG BAO GIỜ NGĂN CÁCH” tình anh với nàng
Rộn ràng “ ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN”
Dịu dàng “ CHIẾC ÁO BÀ BA” thiên thần
Bây giờ “ MÙA ĐÔNG CỦA ANH”
“ TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH TRẺ” của Trần Thiện Thanh

Từ đây giọng hát trữ tình
Và bao dòng nhạc lưu danh thế trần
Một tâm huyết với giang san
Trời cao đoạt mệnh đã lầm đây chăng ?
Bàng hoàng giọt lệ rơi nhanh
Tiếc thương một kiếp tài danh sáng ngời !


NÉT SON VÀNG TRẦN THIỆN THANH

Ngày không tốt là ngày 13 thứ sáu
Tước đoạt trần gian sinh mạng một danh tài
Ngậm ngùi thương chí dũng một đời trai
Hoài bão chưa tròn thân vùi cát bụi !

“ PHÚT GIAO MÙA” “ XIN EM ĐỪNG HỎI”
“ NGUỜI XA NGƯỜI” rồi “ HÀN MẶC TỬ” ơi !
“ HOA BIỂN” thay anh “ LỜI TÌNH VIẾT VỘI”
“ CHUYỆN HẸN HÒ” xin “ HÃY HỨA YÊU EM”
“ ĐÔI NGÃ ĐÔI TA” “ TỪ ĐÓ EM BUỒN”
“ BẢY THẾ KỶ TÌNH YÊU” đùa “BÓNG NẮNG”
“ MỘT ĐỜI YÊU EM” trùng dương “ BIỂN MẶN”
“ TÌNH CÓ NHƯ KHÔNG” trăn trở “ CHỜ ĐÔNG”
“ BẢY NGÀY ĐỢI MONG” trên “BIỂN MÙ SƯƠNG”
“ CHÂN TRỜI TÍM” “ ĐỘC HÀNH” thân cô lữ
“ HOA CHIỀU” phôi pha lìa xa “ BẮC ĐẨU”
“ TƯỞNG NGƯỜI CHẾT ĐI” nhưng sống mãi muôn đời

Mượn lời thơ buồn tiễn anh lần cuối
Sống oai hùng chết để lại thanh danh
Nhật Trường mất đi bao người tiếc nuối
Nét son vàng muôn thuở Trần Thiện Thanh …

NPNA

No comments:

Post a Comment